1. Thực hiện trồng chôm chôm
1.1. Xử lý hố trồng
Hố trồng có kích cỡ vuông 80 cm x 80 cm, sâu 75 cm. Khi đào hố nên để riêng đất trên mặt (lớp đất phía trên đến 30 cm) ra một bên và đất ở lớp phía dưới ra một bên.
Lượng phân cho mỗi hố: 10 – 20 kg phân hữu cơ hợc phân chuồng hoai, 0,2 – 0,3 kg Supe lân hoặc DAP trộn đều với đất mặt lấp đầy hố. Nếu không đủ đất thì lấy thêm đất mặt ở xung quanh và rải thuốc chống mối.
– Phân hữu cơ 10 – 20kg,
– Vôi 0,5 – 1kg,
– Phân DAP hoặc NPK (16 – 16 – 8) 200 – 300g,
– Thuốc Regent 10 – 20g.
Hố trồng cây chôm chôm
1.2. Đảo phân trong hố trước khi trồng
Việc đào hố và bón lót đã tiến hành xong trước khi trồng khoảng 2- 4 tuần, mô đất vẫn còn cao hơn so với mặt đất 10 cm, nên trước khi trồng cần phải đảo phân trong hố cho đều.
Có thể dùng các vật liệu đơn giản như dao, leng, cuốc … để đảo phân. Nên đảo từ trên xuống dưới, từ ngoài vào trong giữa hố.
Trước khi trồng phải đảo phân, sau đó tưới đẫm nước (hoặc có ít nhất 2 đến 3 cơn mưa) cho hỗn hợp đất và phân phân hủy nhanh.
1.3. Kiểm tra cây giống trước khi đặt
Trước khi đặt cây xuống cần phải kiểm tra xem cây con có đạt tiêu chuẩn hay không, nếu đạt mới đặt cây xuống hố. Cây đạt 4 – 5 tháng tuổi sau ghép, cây đang sinh trưởng mạnh, đạt các yêu cầu vể hình thái như:
– Thân gốc ghép thẳng, đường kính 0,8 – 1,3 cm, vỏ không vết thương tổn đến phần gỗ, mặt cắt không bị dập, sùi, cây giống vết ghép tiếp hợp tốt và cách mặt bầu 20cm
– Có cổ rễ và rễ cọc thẳng, bộ rễ phát triển tốt có nhiều rễ tơ
– Thân cây ghép thẳng, chiều cao tính từ mặt bầu ươm đến đỉnh chồi tư 60 cm và đường kính thân (vị trí trên vết ghép) từ 0,8cm trở lên, chưa phân cành, có trên 9 lá kép, lá ngọn thành thục, xanh tốt và có hình dạng đặc trưng của giống.
– Cây không có sâu bệnh hại
Cây giống chôm chôm Thái
Cây giống chôm chôm nhãn
1.3. Đặt cây vào hố
Đào hố giữa mô vừa đủ kích thước bầu cây con, đặt cây vào lấp đất, cắm cọc, buộc cho cây không bị gió lay, sau đó tưới nước. Cần có cây che bóng cho cây con năm đầu (chuối, đu đủ…)
Giữa mô đất hoặc hố, đào lỗ trồng có kích thước bằng với kích thước bầu đất cây con, lấy cây con ra khỏi bầu đất, dùng dao cắt bỏ đáy bầu đất, dùng kéo cắt đứt phần rễ lớn bị cong và đặt cây con vào lỗ trồng.
Đặt cây xuống lỗ, rọc một đường dọc bầu đất, từ từ rút nhẹ bầu đất ra ngoài. Chú ý xoay chiều phát triển của tán cây theo hướng Nam để cây hứng ánh sáng tốt nhất.
1.4. Lấp đất
1.4.1. Xác định độ sâu lấp đất
Ở những nơi thoát nước tốt như đất đỏ bazan, đất thịt pha cát chỉ cần lấp đầy hố để sau khi tưới nước đất lún xuống mặt hố sẽ hơi thấp hơn mặt đất bình thường khoảng 10 – 15cm. Đối với vùng đất thoát nước kém thì phải lấp đất cao hơn mặt hố từ 10-15 cm, sau khi tưới nước, đất lún xuống bằng mặt đất tự nhiên là vừa.
1.4.2. Chuẩn bị đất để lấp
Đất của hố sau khi đào đã được để sàn một bên, có thể sử dụng đất này để lấp đất quanh bầu cây.
1.4.3. Lấp đất quanh bầu cây
Sau khi đặt cây vào hố, cho đất và phân hữu cơ đã trộn sẵn đến quá nửa hố, nén chặt kết hợp tưới nước để cho cây đứng vững, đủ ẩm.
Dùng tay lấp và nén nhẹ đất đến 2/3 chiều cao của bầu thì rải đều 5- 10g Inronite xung quanh bầu nhằm kích thích cây con ra rễ. Sau đó, lấp đất cho đầy lỗ rồi nén nhẹ sao cho đất vừa lấp ngang mặt bầu.
Lưu ý: Không nên đợi lấp đất đầy hố rồi mới nén chặt và tưới một lượt, nước sẽ không ngấm đều khắp bầu cây, đất chung quanh cây không được dẽ chặt, cây dễ bị nghiêng ngã.
2. Cắm cọc giữ cho cây đứng vững
2.1. Xác định cách cắm cọc
Chuẩn bị cọc: Thông thường ta nên dùng các vật liệu tre, nứa, gỗ để làm cọc có đường kính 1,5 – 2,0 cm, dài 1,0 – 1,2m.
Tuỳ theo kích thước của cây giống, điều kiện thời tiết khí hậu của vùng mà có thể chuẩn bị số lượng và kích thước cọc cho thích hợp. Số cọc chuẩn bị ít nhất là bằng số lượng cây trồng và nhiều nhất là gấp 3 lần số lượng cây cần trồng.
Dây buộc: Dùng các loại dây mềm như nylon, lạt tre…
2.2. Chuẩn bị cọc cắm
Cọc cắm có thể sử dụng tre, nứa, gỗ. Thường thì sử dụng cọc cắm bằng tre vì tre có độ dẻo dai, dễ sử dụng.
2.3. Cắm và buộc (cột) cọc để giữ cây
Đóng cọc và cố định cây: Cọc được vót nhọn, đóng chắc chắn theo thế chân kiềng, tạo góc 45 – 500 so với thân cây. Điểm tiếp xúc của thân cây với cọc ở trạng thái tự nhiên để khi cố định cây vào cọc không làm ảnh hưởng xấu đến tư thế cây và bộ rễ.
Dùng dây cột chặt vừa phải cọc với thân cây không gây tổn thương lớp vỏ thân chỗ tiếp xúc.
Thông thường ta buột cọc chống cây khoảng 2/3 chiều cao thân cây là vừa.
Lưu ý: Không nên buộc quá chặt cây con vào cọc cắm, buộc chặt sẽ làm cây con bị tổn thương.
3. Tưới nước giữ ẩm cho cây sau trồng
3.1. Xác định lượng nước tưới
Cung cấp đủ nước cho cây vào các giai đoạn sinh trưởng và phát triển.
Nguồn nước tưới không bị nhiễm mặn (NaCl < 2g/l nước), không bị nhiễm visinh vật.
Cây con mới trồng tưới ít nhất 3 lần trong tuần, cần thiết tưới 2 lần trong ngày nhất là trong mùa nắng. Chôm chôm vào giai đoạn cho trái nếu gặp trời khô hạn, cần tưới đủ nước cho cây.
Trong mùa mưa lũ, thoát nước kịp thời trên vườn cây chôm chôm.
3.2. Giữ ẩm thường xuyên
Trong thời kỳ cây còn nhỏ việc tưới nước có thể tiến hành quanh năm nhằm cung cấp đủ nước cho các đợt lộc non hình thành và phát triển. Đặc biệt trong thời gian đầu sau khi trồng mới, cây con mới trồng cần lượng nước ít nhưng phải cung cấp thường xuyên để tránh tình trạng cây bị khô héo, việc tưới nước cần phải duy trì từ 3-4 ngày/lần. Càng về sau số lần tưới càng ít đi nhưng phải duy trì được độ ẩm thường xuyên cho diện tích đất xung quanh gốc.
Vào mùa khô dùng lá, cỏ hoặc các phế phẩm sau thu hoạch phủ gốc giữ ẩm cho cây.
4. Che nắng cho cây sau trồng
4.1. Xác định cách che nắng
Nhất thiết phải che nắng cho cây con, che nắng giúp cây con tăng khả năng chống chịu, giảm sự bốc thoát hơi nước.
Tác dụng của việc che nắng: Giảm cường độ ánh sáng trực tiếp, tránh lá và cành non bị cháy nắng; cản gió để tránh lá bị tổn thương cơ giới; giảm sự thay đổi đột ngột ẩm độ không khí và đất chung quanh cây.
4.2. Xác định vật liệu che nắng
Vật liệu dùng che nắng: Là các vật liệu sẵn có ở địa phương như: lá chuối,
lưới cước, hoặc dùng tàu dừa …
Cây chuối chuối và tàu lá dừa
Dùng bao che nắng và dùng lưới che nắng cho cây
4.3. Che nắng cho cây
Che nắng từ hướng Đông và hướng Tây, nếu có gió mạnh thì che ở hướng gió thổi đến.
Xây dựng hàng cây chắn gió là yêu cầu cấp thiết đối với việc lập mới một vườn trồng chôm chôm. Mục đích của việc trồng cây chắn gió để ngăn chặn sự di chuyển của sâu bệnh hại theo gió xâm nhập vào vườn; tạo tiểu khí hậu thích hợp trong vườn, đồng thời hạn chế thiệt hại do gió bão gây hại. Hàng cây chắn gió được trồng xung quanh vườn, chú ý hướng Đông và Tây Nam. Tùy theo từng vùng mà chọn loại cây chắn gió thích hợp và hiệu quả, có thể trồng dâm bụt để cao hoặc cây ăn trái như xoài hoặc có thể trồng cây dừa nước. Hiện cây dừa nước cho thấy có khả năng chắn gió và tạo tiểu khí hậu tốt cho các vườn chôm chôm trong tỉnh, nhất là những vùng có thời gian mặn nhẹ và ngắn trong năm.
Dùng vật liệu che nắng tạo thành mái che, sao cho che khoảng 50% ánh sáng mặt trời trực tiếp và mái che cao hơn ngọn chôm chôm để không ảnh hưởng đến sự phát triển của ngọn cây.
Cây không được che bóng sẽ dễ bị cháy lá, cháy thân cục bộ, chùn ngọn, chậm lớn, dễ bị sâu bệnh tấn công, cây phân cành sớm, lá rụng sớm.
5. Phủ (tủ) gốc cho cây mới trồng
5.1. Xác định vật liệu phủ
Phủ gốc cho cây là một trong những việc rất quan trọng đối với sự sinh trưởng và phát triển của cây. Công việc này không những hạn chế bớt cỏ dại mà còn ngăn cản quá trình bốc hơi nước.
Vào mùa khô dùng lá, cỏ hoặc các phế phẩm sau thu hoạch phủ gốc giữ ẩm cho cây, có thể sử lục bình để tủ gốc cho cây.
5.2. Chuẩn bị vật liệu phủ
Chuẩn bị lá khô, cỏ khô , rơm hoặc cây lục bình phủ gốc cây
Rơm khô và lá khô
Cỏ khô và lục bình
5.3. Phủ đều vật liệu quanh gốc cây
Công việc phủ gốc tương đối đơn giản, dễ thực hiện, ta nên dùng rơm rác mục, cỏ khô tủ lại xung quanh gốc, tủ phần tán cây có bán kính 0,8-10m, và để trống phần diện tích cách gốc 20cm để hạn chế côn trùng, sâu bọ làm tổ, phá hoại gốc cây.
Dùng cỏ khô phủ gốc giữa ẩm cho cây